TTCT - Những người đàn ông trong nghệ thuật Hy Lạp cổ đại tập thể dục, chiến đấu, theo đuổi người yêu và thương tiếc những người bạn đã mất, nói chung là gần như làm tất cả, trong tình trạng trần như nhộng. Tại sao vậy?
Bức tượng bằng đá cẩm thạch lấy từ trán tường phía đông của đền Parthenon, niên đại 438-432 TCN. Ảnh: Bảo tàng Anh
Theo trang History Channel, thời kỳ phát triển rực rỡ của nghệ thuật, kiến trúc và triết học trong nền văn minh Hy Lạp cổ đại là từ 700 đến 480 trước Công nguyên (TCN). Nhìn vào các tác phẩm nghệ thuật Hy Lạp cổ đại cỡ lớn đều miêu tả những người đàn ông mạnh mẽ, anh hùng chẳng mặc gì, người ta có quyền thắc mắc: phải chăng thời đó người ta khỏa thân ra đường thật?
Theo nhà sử học văn hóa và khảo cổ học Sarah Murray, thực tế đàn ông Hy Lạp cổ nói riêng và cả xã hội ở giai đoạn văn minh này nói chung ra ngoài cũng ăn vận đàng hoàng. Vậy sự thật về nguồn gốc và ý nghĩa đằng sau những tác phẩm khỏa thân này là gì?
Những vận động viên trần trụi
Trong bài viết trên tạp chí điện tử Aeon ngày 9-6, Murray cho biết có nhiều thể loại khỏa thân khác nhau trong nghệ thuật Hy Lạp cổ, mỗi loại truyền đạt từng ý nghĩa khác nhau tùy vào ngữ cảnh.
Có những trường hợp, khỏa thân đại diện cho cái chết và kẻ thua cuộc ở một số xã hội Đông Địa Trung Hải, nơi những chiến binh tử trận và tù nhân bị hành quyết hầu hết thường trong tình trạng không mảnh vải che thân.
Ngoài ra, những nhân vật thần thánh như các vị thần và anh hùng cũng xuất hiện khỏa thân trong nhiều tác phẩm nghệ thuật cổ đại. Tuy nhiên, có một khía cạnh mà khỏa thân trong nghệ thuật Hy Lạp cổ phản ánh thực tiễn cuộc sống, đó là khỏa thân trong thể thao.
Các môn thể thao, bao gồm chạy, đấu vật, ném bóng và đua ngựa, rất phổ biến ở Hy Lạp cổ đại; nhiều hình thức thi đấu các môn này cũng thường được tổ chức tại các lễ hội trên khắp thế giới Hy Lạp, từ các sự kiện lớn như Thế vận hội (Olympics) cổ đại cho đến vô số trò chơi địa phương.
Murray cho biết các vận động viên phải trút bỏ xiêm y trước khi luyện tập và thi đấu thể thao. Trên thực tế, từ gym chỉ phòng tập thể dục có nguồn gốc từ gymnos, nghĩa là khỏa thân trong tiếng Hy Lạp.
Tượng vận động viên bằng đồng (510-500 TCN). Ảnh: Bảo tàng Nghệ thuật Iceland
Các nguồn văn bản ít ỏi, có đề cập sơ qua về chủ đề này chỉ ra rằng bản thân người Hy Lạp cũng không hiểu rõ về cách thức và lý do tại sao khỏa thân trong thể thao lại trở thành một phần trung tâm trong văn hóa của họ.
Sử gia Thucydides (460-400 TCN) và triết gia Plato (428-348 hoặc 427-347 TCN) đều quy nguồn gốc của khỏa thân trong thể thao cho người Sparta và người đảo Crete.
Theo quan điểm của Thucydides và Plato, khỏa thân trong thể thao khiến người Hy Lạp đặc biệt văn minh hơn so với những người không phải Hy Lạp. Tuy nhiên, trong các ghi chép, cả hai lại không thể hiện rõ mốc thời gian và cách thức hình thức này ra đời. Murray chỉ có thể đoán rằng khỏa thân thể thao có lẽ đã bắt nguồn từ xưa đến nỗi hai học giả lừng danh này cũng không biết chính xác về sự ra đời của nó.
Những giả thuyết
Cô cũng đặt ra một loạt giả thuyết để tự giải đáp những thắc mắc trên; cách lý giải có nhiều bằng chứng ủng hộ nhất là tập thể dục hoàn toàn khỏa thân mang đến cho người đàn ông một đặc điểm ngoại hình giúp họ trở nên dễ phân biệt và có vị thế trước đám đông: làn da rám nắng.
Một làn da rám nắng hoàn hảo nói lên địa vị của chủ nhân. Bởi lẽ, thời Hy Lạp cổ đại, thể thao không dành cho tất cả mọi người như ngày nay mà chỉ những thanh niên trai tráng xuất thân con nhà giàu mới đủ khả năng theo đuổi.
Ngược lại, trai nhà nông không thể nào đủ thời gian và tiền bạc để tập luyện xa nhà, bỏ bê vườn tược không ai chăm. Phụ nữ, người Hy Lạp sinh ra ở nước ngoài và người ngoại quốc cũng mặc nhiên không được phép thi đấu thể thao.
Với một hình thể khỏa thân lý tưởng và làn da rám nắng hoàn hảo, vận động viên thể thao được xem như những công dân kiểu mẫu tiêu biểu nhất trong cộng đồng. Người Hy Lạp cổ đại thậm chí còn có một số từ vựng liên quan, như: tính từ melampygos (mông đen) được dùng để mô tả những công dân có đặc quyền luyện tập thể thao khỏa thân, trong khi leukopygos (mông trắng) có nghĩa là yếu đuối, thiếu nam tính và hèn nhát.
Tác giả Jill Burke viết trong cuốn sách The Italian Renaissance Nude (tạm dịch: Nghệ thuật khỏa thân thời Phục hưng Ý): "Niềm tự hào về cơ thể khỏa thân giúp phân biệt giới thượng lưu với thường dân, đàn ông với phụ nữ và người Hy Lạp với người nước ngoài. Nói tóm lại, thể hình lúc khỏa thân trong đời thực là mối bận tâm tối quan trọng đối với tầng lớp nam giới ưu tú ở Hy Lạp".
Bức tượng bằng đá cẩm thạch lấy từ trán tường phía đông của đền Parthenon, niên đại 438-432 trước Công nguyên. Ảnh: Bảo tàng Anh
Hình ảnh những người đàn ông khỏa thân được tìm thấy trên các bức tượng nhỏ bằng đồng ở biển Aegean giúp Murray tạm xác định được thời gian ra đời quy ước trên. Các bức tượng này có niên đại vào khoảng cuối Thời đại đồ đồng (1200-1050 TCN) và đầu Thời kỳ đồ sắt (1050-700 TCN), xuất hiện trong các trầm tích ở một vài địa điểm trên đảo Crete và khu vực Peloponnese phía nam Hy Lạp. Phần lớn chúng được phát hiện tại Olympia, nơi được xem như địa điểm tổ chức các cuộc thi đấu thể thao hàng đầu khu vực đầu tiên và cũng là tiền thân của Olympics hiện đại.
Theo Murray, những bức tượng nhỏ này là những mô tả trực quan đầu tiên trong nghệ thuật về việc đàn ông khỏa thân thời Hy Lạp cổ đại. Dựa trên kích thước nhỏ, bề ngoài khó hiểu và hình thức kém trau chuốt của những bức tượng đồng, cô cho rằng chúng có thể từng được dùng trong nghi lễ trưởng thành của thanh thiếu niên Hy Lạp cổ.
Các tài liệu sau này cũng cho thấy những địa điểm phát hiện các bức tượng nêu trên là thánh địa tôn giáo thực hiện một nghi thức cổ xưa, mà cụ thể là liên quan đến các hoạt động thi thố thể lực, nhằm đánh dấu việc một nam giới kết thúc thời niên thiếu và bước vào giai đoạn trưởng thành. Người thực hiện nghi thức trưởng thành này phải lõa thể trong suốt quá trình làm lễ để nổi bật giữa đám đông và tạo sự khác biệt với bản thân trong thường ngày.
Tượng một thanh niên làm bằng cẩm thạch thời Hy Lạp cổ đại, 590-580 trước Công nguyên. Ảnh: Metropolitan Museum of Art
Ở giả thuyết thứ hai, Murray cho rằng các vận động viên khỏa thân để tạo sự gắn kết theo nhóm. Giả thuyết này dựa trên các lập luận xã hội học do nhà sử học Paul Christesen đưa ra trong cuốn sách Sport and Democracy in the Ancient and Modern Worlds (Thể thao và dân chủ trong thế giới cổ đại và hiện đại) xuất bản năm 2012.
Theo Christesen, thể thao Hy Lạp gần như đóng vai trò thống nhất tầng lớp công dân nam ưu tú. Ông lý giải: Các thành bang Hy Lạp như Athens và Sparta, ở một mức độ nào đó, phụ thuộc vào sự gắn kết của các nhóm công dân nam - những người vận hành các cơ quan chính trị và quân sự cốt lõi.
Nếu các nhóm này thiếu gắn kết, các bang sẽ phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng mang tính sống còn. Nhờ năng thể dục thể thao khỏa thân cùng nhau, họ nâng cao sự gắn kết nhóm.
Và điều chưa thể lý giải
Mô hình của Christesen rất logic, tuy nhiên Murray nhận định nó vẫn không thể lý giải hết mọi thứ, điển hình là trường hợp một cảnh được vẽ trên cốc uống nước bằng đất sét bởi một nghệ sĩ tên là Foundry Painter từ đầu thế kỷ thứ 5 TCN.
Trong bức vẽ, hai nhân vật to lớn, mặc quần áo, đang quan sát những người thợ hoàn thiện một bức tượng chiến binh, đồng thời mang theo trên mình những chai nhỏ đựng dầu và đá mài - một dụng cụ mà các vận động viên sử dụng để cạo dầu, bùn và mồ hôi trên cơ thể họ sau khi tập luyện.
Những manh mối trực quan này cho thấy hai nhân vật này đang đi ngang qua xưởng đúc trên đường đến nhà thi đấu. Nếu nói hình tượng khỏa thân được xem là dấu hiệu đánh dấu địa vị, thì thật khó hiểu khi họa sĩ Foundry Painter chọn miêu tả những người thợ kim loại trong trạng thái không mảnh vải che thân, trong khi các công dân/vận động viên ưu tú lại mặc quần áo.
Murray thử mường tượng nhiều phương án lý giải khác nhau: Có thể đây là cách Foundry Painter đề cao tư cách công dân cho những người thợ thủ công - những người đồng nghiệp của ông.
Hay đó chỉ là một phép nghịch đảo vai vế hài hước, nhằm mua vui cho tầng lớp thượng lưu khi sử dụng chiếc cốc trong tiệc rượu. Các học giả không tài nào đưa ra lời giải thích chắc chắn nhất, bởi nền văn hóa hình ảnh Hy Lạp cổ vô cùng tinh tế và phức tạp.
Tuy nhiên, Murray cho rằng vẫn có cơ sở để khẳng định sự phân biệt giai cấp và việc khỏa thân gắn bó chặt chẽ với nhau trong xã hội cổ đại.
Khỏa thân, thanh xuân và ái tình
Theo Murray, ngoài cột mốc chuyển từ vị thành niên sang trưởng thành, có một yếu tố đóng vai trò chính trong việc hình ảnh nam thanh thiếu niên khỏa thân thường được lấy làm trung tâm trong đời sống và nghệ thuật Hy Lạp, đó chính là tình dục. Yếu tố này thường bị đánh giá thấp trong diễn ngôn lịch sử vì gây ra những lúng túng nhất định khi nhắc tới, nhất là trong thời đại nhạy cảm hơn về giới tính như hiện tại.
Thực tế, phòng tập thể dục thời Hy Lạp cổ là nơi khuyến khích mạnh mẽ việc phát triển các mối quan hệ khiêu dâm - vốn là một phần của hệ thống giáo dục thời bấy giờ.
Trong cuốn sách Eros and Greek Athletics (Thần Eros và điền kinh Hy Lạp) xuất bản năm 2002, tác giả Thomas Scanlon nhấn mạnh mối quan hệ lâu đời giữa việc người Hy Lạp chơi thể thao khỏa thân và quan hệ ái nhi. Theo Scanlon, phòng tập thể thao chủ yếu là nơi hình thành các mối quan hệ tình dục giữa đàn ông trưởng thành và thanh thiếu niên. Những người đàn ông trưởng thành dùng chất keo gắn bó tình ái để tiếp biến văn hóa lên những người trẻ đồng giới và uốn nắn họ theo những kỳ vọng cũng như chuẩn mực nhất định, nhằm tạo ra những công dân lý tưởng.
Tượng thần tình yêu Eros đang ngủ bằng đồng được chế tạo khoảng thế kỷ thứ 3-2 TCN. Ảnh: Metropolitan Museum of Art
Mặc dù phần lớn chúng ta ngày nay sẽ muốn nhắm mắt làm ngơ với những chi tiết về những "tụ điểm" này, một trong số những nơi như vậy, có tên là Kato Syme, đã được tìm thấy ở vùng núi phía nam trung tâm đảo Crete, như một minh chứng củng cố cho giả thuyết mối gắn kết đồng tính luyến ái từ lâu đã là nét đặc trưng của thể thao khỏa thân.
Người ta cũng tìm thấy ở "tụ điểm" này một bức tượng nhỏ bằng đồng có niên đại thế kỷ thứ 8 TCN, trên tượng có hình hai người đàn ông, một người lớn hơn người kia, đang nắm tay nhau và rõ ràng là đang trong trạng thái hứng tình.
Phát hiện này cũng nhất quán với cách sử gia, nhà địa lý, triết gia Hy Lạp Strabo sử dụng rất nhiều thuật ngữ cụ thể liên hệ giữa chủ nghĩa khiêu dâm, tình dục trẻ em và các nghi lễ trưởng thành khi mô tả các thể chế của xã hội Hy Lạp cổ trên đảo Crete.
Bằng chứng này cho thấy có lẽ việc nam giới Hy Lạp chơi các môn thể thao khỏa thân đóng một vai trò đáng kể trong việc xây dựng hệ thống xã hội dựa trên sự phát triển của các mối quan hệ đồng tính luyến ái chặt chẽ, gắn kết các thành viên lớn tuổi và trẻ tuổi hơn của cộng đồng nam giới thông qua một mối liên hệ sư phạm hai bên cùng có lợi.
Kết luận của Murray có lẽ sẽ gây sốc đối với những ai vốn luôn nghĩ rằng nguồn gốc hình tượng nam giới khỏa thân trong nghệ thuật Hy Lạp cổ đại có liên quan đến những di sản văn hóa cốt lõi thời bấy giờ như: dân chủ, pháp quyền, nghiên cứu triết học về các đặc điểm cơ bản của cái đẹp và sự thật.
Hoàn toàn ngược lại, lý tưởng của người Hy Lạp về nam giới khỏa thân nảy sinh từ bản chất phân biệt giai cấp, và chỉ nhằm mục tiêu đề cao tính ưu việt của tầng lớp thống trị chính trị - xã hội chiếm ưu thế trong văn hóa thời bấy giờ. Thẳng thắn hơn mà nói, sự phổ biến của những anh chàng khỏa thân trong nghệ thuật Hy Lạp chỉ đơn giản là biểu tượng tình dục cao cấp, bởi cũng giống như thời hiện đại, yếu tố tình dục luôn khiến người ta quan tâm.■
Theo trang Art & Object, hình tượng khỏa thân anh hùng được tạo ra nhằm lý tưởng hóa hình ảnh nam giới và nhìn chung, có thể chia thành ba loại chính: khỏa thân mang dáng dấp trẻ con mà ví dụ điển hình phải kể tới những nhân vật được đồn thổi là người tình của các nam thần như Ganymede, Hyacinth và thần Cupid; những người đàn ông mảnh khảnh nhưng rắn chắc, như tác phẩm Người mang giáo (Doryphoros), Người ném đĩa (Discobolus), hay thần Apollo; và cuối cùng là Hercules vạm vỡ - một kiểu vóc dáng ít phổ biến hơn hai kiểu trước.
"Khỏa thân anh hùng là nền tảng cho đặc trưng Hy Lạp, văn hóa Hy Lạp và thời cổ đại" - Patricia Lee Rubin, nhà sử học nghiên cứu nghệ thuật thời Phục hưng và là giáo sư danh dự tại Đại học New York, nói với Art & Object.
PHAN BẢO
tuoitre.vn - 02/07/2023