Nhiều người biết về Xuân Diệu cũng như mối quan hệ giữa Xuân Diệu và Huy Cận; nhưng còn Huy Cận có tình cảm với Xuân Diệu ra sao, ít người đề cập tới.
Suốt đời, Xuân Diệu và Huy Cận bên nhau như hình với bóng. Trong "Nửa thế kỷ tình bạn" in trong tập "Xuân Diệu, con người và tác phẩm", xuất bản tại Hà Nội năm 1987, Huy Cận có kể tỉ mỉ về mối quan hệ đó:
"
Tựu trường năm 1936, chúng tôi gặp nhau lần đầu tiên ở trường tú tài Khải Định, Huế. Anh Diệu học năm thứ ba, tôi vào học năm thứ nhất. Hai đứa đọc thơ cho nhau nghe, và đồng thanh tương ứng, kết bạn với nhau gần như tức khắc... Tựu trường 1937, anh Diệu ra Hà Nội học trường Luật và viết báo Ngày nay, tôi học năm thứ hai ban tú tài... Anh Diệu và tôi viết thư cho nhau hàng tuần... Năm 1938, tôi ra sống với Diệu ở chân đê Yên Phụ... Tựu trường năm 1939,... hai chúng tôi cùng sống ở gác 40 phố Hàng Than, Hà Nội... Cuối năm 1940, Diệu đi làm tham tá thương chánh ở Mỹ Tho... Chúng tôi tạm sống xa nhau, buồn đứt ruột, hàng tuần viết thư cho nhau, có tuần hai, ba lá thư..."
Sau năm 1954, họ tiếp tục sống với nhau trong căn nhà số 24 Cột Cờ, Hà Nội. Nói về khoảng thời gian bình yên đó, Huy Cận có bài thơ:
"
Đêm đêm trên gác chong đèn
Cận ngồi cặm cụi viết dòng thơ bay
Dưới nhà bút chẳng ngừng tay
Bên bàn Diệu cũng miệt mài trang thơ.
Bạn từ lúc tuổi còn thơ
Hai ta hạt chín chung mùa nắng trong
Ánh đèn trên gác, dưới phòng
Cũng là đôi kén nằm trong kén trời.
Sáng ra gõ cửa: “Diệu ơi,
Nghe dùm thơ viết đêm rồi xem sao.”
Diệu còn ngái ngủ: “Đọc mau!
Nghe rồi, xem lại từng câu mới tường."
Dưới nhà trên gác thông thương
Dòng thơ không dứt giữa luồng tháng năm..."
Xuân Diệu và Huy Cận gắn bó với nhau đến nỗi nhà xuất bản họ lập ra hồi đó mang tên là Huy Xuân, cách ghép hai chữ đầu của tên hai người lại với nhau, như một cặp tình nhân hay cặp vợ chồng trẻ.
Ngoài ra, bài "Vạn lý tình" rất nổi tiếng của Huy Cận cũng hé lộ một số chi tiết rất đáng chú ý:
"
Người ở bên này, ta ở đây
Chờ mong phương nọ, ngóng phương này
Tương tư đôi chốn, tình ngàn dặm
Vạn lý sầu lên núi tiếp mây.
...
Cơn gió hiu hiu buồn tiễn biệt
Xa nhau chỉ biết nhớ vơi ngày
Chiếu chăn không ấm người nằm một
Thương bạn chiều ôm, sầu gối tay."
Điều này sẽ rõ hơn, thuyết phục hơn, khi chúng ta đọc thêm bài "Ngủ chung" của Huy Cận, in trong tập Lửa Thiêng, xuất bản năm 1940:
"
Ôi rét đêm nay mấy học trò
Ngủ chung giường hẹp, trốn bơ vơ
Cô hồn vạn thuở buồn đơn chiếc
Có lẽ đêm nay cũng ngủ nhờ.
Lạnh lùng biết mấy tấm thân xương!
Ân ái xưa kia kiếp ngủ giường,
Đâu nữa tay choàng làm gối ấm,
Còn đâu đôi lứa chuyện canh sương.
Trốn tránh bơ vơ, chạy ngủ lang,
Hồn ơi! Có nhớ giấc trần gian
Nệm là hơi thở, da chăn ấm,
Xương cọ vào xương bớt nỗi hàn"
Bài thơ tả cảnh ngủ chung của học trò với nhau. Lúc sáng tác bài này Huy Cận chưa lập gia đình, chưa có vợ con, và người nằm chung chăn chung chiếu với ông không phải ai khác mà chính là người bạn trai của ông. Ở Việt Nam, bạn cùng giới ở trọ rồi ngủ chung là chuyện bình thường, nhưng đọc kỹ bài thơ, chúng ta thấy ngay tính chất "không bình thường" của nó (ân ái xưa kia, đâu còn đôi lứa, hồn là hơi thở da chăn ấm, xương cọ vào xương...) Có lẽ, cùng với bài "Tình trai" và "Em đi" của Xuân Diệu, bài "Ngủ chung" của Huy Cận xứng đáng là những tác phẩm tiêu biểu nhất về đề tài đồng tính trong thơ Việt Nam.
Trích: facebook.com/dainamempireball/photos/a.1979470148780555/2060273300700239